Những ngành học sang chảnh, hiện đại, lương cao dành cho “dân khối C”


Cập nhật lần cuối vào 18/05/2023

(Dân trí) – Học tốt khối C nên chọn ngành nào dễ xin việc tốt, mức lương cao là trăn trở của nhiều bạn trẻ. Ngày nay, nhiều ngành khoa học xã hội đang “lên ngôi”, là đích ngắm của các doanh nghiệp tuyển dụng.

Hết thời khối C khó xin việc

Sinh viên HIU tư vấn ngành học cho các bạn học sinh THPT.

Nhiều thí sinh theo học khối C thường khá lo ngại về cơ hội việc làm bởi một thời gian dài nhóm ngành đào tạo khá “kén” việc làm.

Khối C truyền thống bao gồm các môn học: ngữ văn, lịch sử, địa lí. Tuy nhiên, với quy chế tuyển sinh mới, khối C hiện nay gồm 19 tổ hợp. Từ đó, rất nhiều ngành đào tạo đã tuyển “dân khối C” và cơ hội công việc cũng rộng mở hơn.

Những ngành học sang chảnh, hiện đại, lương cao dành cho dân khối C - 1
Các tổ hợp khối C trong xét tuyển đại học (Tổng hợp: H.N).

Những năm gần đây, xã hội chứng kiến sự quay trở lại đầy ngoạn mục của nhóm ngành xét tuyển khối C khi điểm chuẩn tăng cao. Như năm 2022, điểm chuẩn khối C Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội tới 29,95 điểm; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia tới 28,25 điểm.

ThS Trần Nam – Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM – nhận định hiện nay có nhiều ngành “hot” dành cho “dân khối C” như báo chí, du lịch, quan hệ công chúng, truyền thông đa phương tiện, marketing, quảng cáo… Đó là những lĩnh vực đang phát triển rất mạnh ở nước ta vì thế những bạn có thế mạnh về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử Việt Nam sẽ có lợi thế.

Hoạt động sôi nổi tại ngày Kỷ niệm 25 năm của khoa khoa học xã hội.

Dẫu vậy, ông Nam cho rằng vẫn còn những định kiến về người học nhóm ngành này.

“Nhiều người còn định kiến khối C chỉ học thuộc, nhưng những người theo khối này có thế mạnh riêng về sử dụng ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa, giao tiếp, lịch sử.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và giao tiếp liên văn hóa hiện nay, kiến thức của người học khối C rất quan trọng. Đặc biệt là những ai biết tận dụng khả năng sử dụng tiếng “mẹ đẻ” trở thành thế mạnh của mình”, ông Nam nói.

ThS Trần Nam dẫn chứng người làm về quảng cáo, marketing có thể làm việc bằng tiếng Anh với tập đoàn nước ngoài, nhưng khi hoạt động ở Việt Nam thì thông điệp cuối cùng vẫn phải bằng tiếng Việt, phải tư duy bằng ngôn ngữ “mẹ đẻ” mới sáng tạo, gắn liền với đa phần công chúng là người đang dùng tiếng Việt.

Đồng quan điểm, TS Đỗ Xuân Biên – Trưởng khoa Khoa học Xã hội, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng – cho biết, hiện nay những lo ngại về việc làm khi học nhóm ngành khoa học xã hội không còn chính xác. Rất nhiều ngành có nhu cầu việc làm lớn, thậm chí trở nên phổ biến, thu hút giới trẻ.

Ông Biên dẫn chứng như ngành truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng hiện thu hút nhiều người học và cơ hội việc làm rất rộng mở. Nhu cầu về tham vấn và trị liệu tâm lý cũng ngày càng cao trong bối cảnh xã hội công nghiệp hóa, đô thị hóa, áp lực cuộc sống tăng.

Sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện tác nghiệp tại một sự kiện do trường đại học tổ chức (Ảnh: T.H).

Bên cạnh đó, từ lâu nay, ngành quan hệ quốc tế đã được coi là ngành học “sang chảnh”, luôn là lựa chọn hàng đầu cho nhiều vị trí công việc. Ngành này có tính chọn lọc người học, đầu vào cao và chất lượng đầu ra cao luôn là lựa chọn hàng đầu cho nhiều vị trí công việc.

Một ngành học khác trong khối ngành khoa học xã hội là ngành Việt Nam học. Theo TS Xuân Biên, tuy còn chưa nhiều người biết đến và phụ huynh, học sinh thường đặt câu hỏi “Mình là người Việt học Việt Nam học làm gì?”, nhưng cử nhân Việt Nam học lại có thế mạnh đầu ra. Nhu cầu về chuyên gia nghiên cứu, tư vấn về văn hóa, pháp luật, kinh tế – xã hội Việt Nam cho các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đang tăng nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế.

TS Biên tiết lộ, báo cáo khảo sát việc làm của sinh viên 2 ngành truyền thông đa phương tiện và quan hệ quốc tế cho thấy, tỷ lệ sinh viên ra trường sau 1 năm có việc làm của 2 ngành này là 100%, trong đó, làm việc với ngành đúng hoặc ngành gần với chuyên ngành đào tạo lần lượt là 95% và 80%.

Dân khối C còn có thể theo học vô số ngành “hot” khác như: Thương mại điện tử, quản trị sự kiện, quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, luật, digital marketing, quản trị kinh doanh,…

Mức lương tương xứng năng lực 

Trước băn khoăn học nhóm ngành này sẽ có thu nhập không cao, TS Đỗ Xuân Biên cho rằng quan niệm về nhóm ngành này có thu nhập cao, nhóm ngành kia có thu nhập thấp là không đúng.

“Dù là khối ngành nào, chất lượng con người mới là yếu tố quyết định. Cùng tốt nghiệp một ngành học, sau 2 năm ra trường, mức thu nhập của các bạn cùng lớp có thể khác nhau nhiều lần bởi vì kỹ năng mềm, khả năng thích ứng, khả năng tự học khác nhau”, ông Biên nói.

Sinh viên HIU thực hành tại Studio hiện đại.

Đồng quan điểm, ông Trần Huấn – Giám đốc sáng tạo, Công ty Truyền hình Kết nối – cho rằng, ngày nay, nhóm ngành khoa học xã hội không còn lép vế như trước bởi nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khá lớn.

Mức lương dành cho khối ngành này cũng tăng lên tương ứng, sinh viên mới ra trường có năng lực tốt hoàn toàn có thể đạt mức lương 20 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, theo ông Huấn năng lực riêng của từng cá nhân mới là nhân tố quyết định mức thu nhập, có những sếp trưởng phòng quan hệ công chúng, truyền thông của doanh nghiệp có mức lương đến hàng trăm triệu đồng/tháng.

ThS Trần Nam cũng thông tin rằng sinh viên tốt nghiệp nhiều ngành “hot” thuộc nhóm khoa học xã hội và nhân văn được trọng dụng ở doanh nghiệp, thu nhập phần đa của sinh viên ra trường ở mức từ 11 triệu đồng/tháng trở lên. Thậm chí, những người làm tốt, có kinh nghiệm có thể tới mức 1.000 – 2.000 USD/tháng.

Học khối ngành Khoa học Xã hội cần tố chất gì?

Khoa Khoa học Xã hội có 5 ngành học chính, mỗi ngành đều có đặc thù riêng.

Ngành Quan hệ quốc tế kén người học vì yêu cầu ngoại ngữ, tư duy toàn cầu, làm việc trong công tác ngoại giao, đối ngoại, các tổ chức quốc tế, môi trường đa văn hóa.

Ngành Truyền thông đa phương tiện đòi hỏi sự sáng tạo để xây dựng, thiết kế các ứng dụng đa phương tiện trong truyền thông, đặc biệt trên các nền tảng số để có thể làm việc tại các cơ quan báo chí, đài truyền hình, nền tảng mạng xã hội, bộ phần truyền thông doanh nghiệp.

Ngành Quan hệ công chúng thiên về việc sáng tạo nội dung, kỹ năng giao tiếp, truyền thông tốt nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng hình ảnh, thương hiệu.

Ngành Tâm lý học đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, sự tinh tế, linh hoạt để làm việc trong các lĩnh vực tham vấn tâm lý, trị liệu tâm lý, trong quản lý nhân sự, tâm lý khách hàng trong lĩnh vực bán hàng.

Ngành Việt Nam học cần am hiểu và yêu thích về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, luật pháp Việt Nam để có thể làm các chuyên gia tư vấn về văn hóa, luật pháp cho các tập đoàn đa quốc gia, các công ty du lịch, giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.

Nhóm ngành Khoa học Xã hội làm việc với con người thay vì làm việc tại phòng thí nghiệm, công xưởng, máy móc, kỹ thuật nên các kỹ năng mềm là hết sức cần thiết. Trong đó, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, thuyết phục, sự am hiểu về văn hóa, tâm lý rất cần thiết./.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào cần tư vấn, đừng ngại liên hệ đến Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng qua các kênh sau nhé:

Cơ sở 1: 215 Điện Biên Phủ, P.15, Q. Bình Thạnh, TP.HCM

Cơ sở 2: 120 Hòa Bình, P. Hòa Thạnh, Q. Tân Phú, TP.HCM

Điện thoại: 028.7308.3456

Hotline: 0964 239172

Website: https://hiu.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/hiu.vn/

Email: tuyensinh@hiu.vn – admission@hiu.vn

Xem thêm bài viết qua các báo sau: Dân Trí, Kênh 14, Giáo dục Việt Nam, Giáo dục Thời Đại, Giáo dục TP.HCM

Trung tâm tuyển sinh và truyền thông.


Liên hệ chúng tôi ngay: 0938.69.2015 - 0964.239.172